MU quyết định đúng đắn vụ Jhon Duran
BongDa.com.vnMột mùa hè chuyển nhượng đầy biến động đang chờ Manchester United, nhất là khi họ chưa thể chốt sổ cái tên nào đủ tầm để lĩnh xướng hàng công.

Matheus Cunha đã có mặt, Bryan Mbeumo thì đang tiến gần, nhưng rõ ràng HLV Ruben Amorim vẫn cần một trung phong đẳng cấp đích thực đủ sức gánh vác trách nhiệm ghi bàn đều đặn.
Trong bối cảnh những mục tiêu như Viktor Gyokeres, Victor Osimhen hay Hugo Ekitike đều có giá quá cao, thì việc xuất hiện một “phương án tình thế” như Jhon Duran nghe qua khá hấp dẫn.
Theo Fabrizio Romano, Al Nassr chủ động đề nghị cho MU mượn lại Duran, người chỉ mới sang Saudi Pro League được 6 tháng sau nửa mùa giải thăng hoa tại Aston Villa. Vấn đề là “Quỷ đỏ” sẽ phải trả toàn bộ mức lương khổng lồ của tiền đạo người Colombia, con số lên tới 330.000 bảng mỗi tuần.
Thoạt nhìn, Duran chẳng phải lựa chọn tồi. Hãy nhớ lại thời điểm anh khoác áo Aston Villa dưới tay Unai Emery: 12 bàn sau 29 trận, đa số vào sân từ ghế dự bị nhưng luôn để lại dấu ấn. Sang Saudi, Duran tiếp tục bùng nổ với 12 bàn sau 18 trận. Ở tuổi 21, đây là mẫu tiền đạo trẻ giàu tốc độ, lì lợm và sẵn sàng tạo ra khác biệt từ băng ghế dự bị, đúng kiểu “siêu dự bị” mà MU không có ở mùa trước.
Nhưng cái giá phải trả cho “phương án tình thế” ấy lại quá lớn. Một cầu thủ mới sang Saudi chỉ 6 tháng, muốn ra đi vì “chán cảnh nắng nóng” nhưng lại lĩnh lương gần bằng những trụ cột như Bruno Fernandes thì rõ ràng là không thể chấp nhận.

MU lúc này đang đau đầu tìm cách cắt giảm quỹ lương phình to, khi những cái tên như Marcus Rashford, Jadon Sancho hay Casemiro đều được liệt vào danh sách thanh lý. Nếu mang về một Duran chỉ để lấp chỗ, trong khi gánh thêm gần 20 triệu bảng/năm tiền lương, mọi nỗ lực tái cấu trúc tài chính coi như đổ bể.
Điều quan trọng là MU không thể tiếp tục đi vào vết xe đổ — trả lương khủng cho những cầu thủ chỉ mang tính “chữa cháy”, rồi bị mắc kẹt trong những hợp đồng cho mượn vô nghĩa. Quá khứ từng chứng minh điều đó, điển hình là thương vụ Radamel Falcao. Anh đều ra đi mà không để lại di sản gì, ngoài khoản lương kếch xù và vị trí trong đội hình cản trở quá trình làm mới hàng công.
Vì thế, từ chối Duran là một quyết định tỉnh táo. Có thể MU chưa mang về Gyokeres, chưa chạm tay tới Osimhen, nhưng chí ít họ vẫn đang giữ nguyên tắc: chỉ trả lương khủng cho những ai xứng đáng. Trong bối cảnh Ruben Amorim cần ngân sách để nhắm những “mảnh ghép” thật sự phù hợp, việc không “vung tay quá trán” cho một phi vụ dễ thất bại là tín hiệu tích cực.
Duran giờ đây nhiều khả năng sẽ sang Fenerbahce, nơi sẵn sàng trả đủ mức lương anh yêu cầu. Còn Old Trafford vẫn ở thế chờ, nhưng sẽ chờ để làm điều đúng: mang về một số 9 đẳng cấp thực sự, hoặc chí ít là một cầu thủ có thể phát triển lâu dài, chứ không phải một canh bạc mạo hiểm chỉ để xoa dịu sự thiếu kiên nhẫn của người hâm mộ.
Trong một mùa hè còn đầy bất trắc, quyết định từ chối Duran chính là bước đi cần thiết để MU nhắc lại với chính mình: Từ nay, mọi bản hợp đồng cần tính toán kỹ lưỡng, kể cả khi bạn đang đói khát bàn thắng.